Học kỳ
Học kỳ là đơn vị tổ chức đào tạo trọn vẹn tại trường Đại học Bách khoa – là một khoảng thời gian gồm một số tuần nhất định dành cho các hoạt động giảng dạy học tập các môn học, một số tuần dành cho việc đánh giá kiến thức tập trung (kiểm tra, thi, bảo vệ, ...) và dự trữ dành cho các sinh hoạt khác.
Mỗi năm, trường Đại học Bách Khoa tổ chức 02 học kỳ chính bắt buộc. Mỗi học kỳ chính được quy chuẩn gồm: 15 tuần dành cho các hoạt động giảng dạy và đánh giá trên lớp – bao gồm cả kiểm tra tập trung giữa kỳ; các tuần dự trữ và ít nhất 02 tuần dành cho đánh giá tập trung cuối kỳ (thi, bảo vệ). Độ dài thực tế của một HK chính - cách phân bổ thời gian dành cho từng loại họat động kể trên, có thể rất khác biệt giữa các loại hình đào tạo khác nhau, các học kỳ của năm nhất và của năm cuối cũng thường được cấu tạo khác biệt so với các học kỳ còn lại.
Thời gian biểu tiến hành các hoạt động học tập giảng dạy và lịch tổ chức đánh giá trong các học kỳ chính kể cả các ngày nghỉ lễ, nghỉ hè, nghỉ Tết được quy định trong biểu đồ kế hoạch học tập năm học của trường. Biểu đồ do phòng đào tạo chủ trì tổ chức xây dựng hàng năm - cho tất cả các bậc-hệ đào tạo của trường, trình Hiệu trưởng ra quyết định ban hành.
Ngoài 02 học kỳ chính hàng năm, trường tổ chức thêm các học kỳ phụ - không bắt buộc (dự thính, học lại ngoài giờ,…) song song với học kỳ chính hoặc trong các đợt nghỉ dài ngày (thời gian trống giữa hai học kỳ chính hay trong thời gian nghỉ hè) nhằm tạo thêm cơ hội học tập và tích lũy tín chỉ cho một số đối tượng sinh viên cụ thể. Sinh viên đăng ký tham gia học trong các học kỳ phụ này trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện – theo đối tượng và tuân thủ theo lịch trình, các hướng dẫn ghi trong thông báo mở lớp của kỳ tương ứng.
[Theo Qui chế học vụ bậc Đại học – Cao đẳng, theo QĐ Số: 958/QĐ-ĐHBK-ĐT, ngày 27 tháng 06 năm 2012]
[[Thể loại:Khái niệm]